“Wheel of Highscope” được xem là tâm điểm của mọi nét đặc trưng về chương trình Highscope. Wheel of Highscope được cấu thành bởi 5 yếu tố: Học tập chủ động (Active learning), Đánh giá (Assessment), Tương tác giữa người lớn – trẻ nhỏ (Adult-Child Interaction), Môi trường học tập (Learning Environment), Chuỗi hoạt động hàng ngày (Daily Routine).
1. HỌC TẬP CHỦ ĐỘNG
Phương pháp giáo dục Highscope được phát triển dựa trên niềm tin rằng trẻ xây dựng và “kiến tạo” nên những hiểu biết của chính chúng về thế giới. Điều đó có nghĩa việc học không chỉ đơn thuần là quá trình thầy cô cung cấp thông tin cho trẻ. Thay vào đó, trẻ phải là người học chủ động – khám quá sự vật thông qua những va chạm thực tiễn, trực tiếp với con người, vật thể, sự kiện, ý tưởng. Trẻ học tốt nhất thông qua việc được theo đuổi sở thích riêng của mình đồng thời nhận được sự ủng hộ chủ động và thử thách từ người lớn. Trong lớp học, giáo viên Highscope cũng chủ động và tham gia các hoạt động như học trò. Giáo viên phải luôn để tâm và chú ý đến những vật liệu/dụng cụ họ cung cấp cho trẻ, những hoạt động họ đưa ra, cách họ nói chuyện với trẻ để vừa có thể khuyến khích và thử thách trẻ. HighScope gọi phương pháp này là phương pháp học tập tham gia chủ động – là một quá trình mà trong đó giáo viên và trẻ là cộng sự của nhau trong quá trình học tập. Phương pháp học tập chủ động được đặt ở tâm điểm của “bánh xe” HighScope là để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó trong mọi khía cạnh của chương trình HighScope.
2. TƯƠNG TÁC GIỮA NGƯỜI LỚN-TRẺ NHỎ
Trong chương trình HighScope, cùng điều khiển (shared control) là trọng tâm của việc tương tác giữa người lớn và trẻ. Chương trình có nhiều chiến lược cụ thể để đạt được mục tiêu này. Trẻ có quyền ra quyết định tầm trẻ con như chơi ở đâu, chơi thế nào, chơi cái gì và chơi với ai. Người lớn chịu trách nhiệm về những quyết định tầm người lớn, bao gồm tạo ra chuỗi hoạt động mỗi ngày, sắp xếp và trang bị dụng cụ cho lớp học, giữ cho trẻ được an toàn cả thể chất và tinh thần. Lớp học HighScope không có không khí học kiểu chỉ huy hoặc “sao cũng được”. Thay vào đó, không khí học của HighScope mang tính hỗ trợ trong đó người lớn và trẻ em cùng là cộng sự của nhau trong suốt ngày học.
Nghiên cứu chỉ ra rằng cách người lớn tương tác với trẻ em đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình học tập và phát triển của trẻ. Các nghiên cứu về mối quan hệ giữa cách thức tương tác của giáo viên và kết quả khả quan dành cho trẻ em đã chứng minh được tầm quan trọng của cách thức tương tác lấy trẻ làm trọng tâm. Những nghiên cứu này chứng minh rằng trong lớp học mà giáo viên nhiệt tình trả lời, hướng dẫn và quan tâm, trẻ nhỏ chủ động hơn và có khuynh hướng chủ động để tâm trí vào công việc và chuyên tâm với nó.
3. CHUỖI HOẠT ĐỘNG HÀNG NGÀY
Chuỗi hoạt động hàng ngày HighScope được thiết kế để cung cấp sự nhất quán và tính dự đoán mà người lớn và trẻ nhỏ cần đồng thời cung cấp đủ độ linh hoạt để trẻ cảm thấy không bị thúc ép hoặc buồn chán khi tiến hành những hoạt động của mình. Các phần trong ngày bao gồm thời gian để trẻ lên kế hoạch, tiến hành kế hoạch, xem lại kế hoạch và đối chiếu với hành động của mình, và tham gia vào những hoạt động theo nhóm lớn và nhóm nhỏ. Thời khoá biểu này giống nhau mỗi ngày và mỗi hoạt động được định một thời gian cụ thể. Sự thường xuyên này cho trẻ cảm giác có thể tự điều khiển và giúp trẻ có thể hành động một cách độc lập.
4. MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP
Môi trường thúc đẩy học tập chủ động đòi hỏi sự sắp xếp kỹ càng và sâu sắc. Không giống một số chương trình khác ở đó giáo viên lên kế hoạch và chọn những vật liệu cụ thể cho trẻ dùng mỗi ngày. Ở chương trình HighScope, trẻ sẽ là người quyết định mình cần dùng vật liệu gì cho giờ làm việc của mình. Vì thế, giáo viên luôn phải để tâm đến những sắp xếp trong phòng, những loại dụng cụ cung cấp cho trẻ, và nơi chứa những dụng cụ đó để có thể giúp trẻ theo đuổi ý tưởng của mình và kiến tạo những kinh nghiệm học tập cho riêng mình.
5. ĐÁNH GIÁ
Quan sát và Ghi chú. Ở lớp học theo mô hình HighScope, giáo viên ghi chú mỗi ngày dựa trên sự quan sát trẻ. Những ghi chú này được gọi là “anecdote”, tập trung vào việc trẻ làm và những gì trẻ nói. Anecdote giúp giáo viên nhìn nhận trẻ và lớp học một cách khách quan. Chúng cũng giúp trả lời những câu hỏi sau:
- Sở thích của trẻ là gì?
- Trẻ đang học gì?
- Những mảng học tập nào gần đây chúng ta đang hỗ trợ trẻ?
- Có mảng học tập nào bị bỏ qua hoặc không hỗ trợ hay không?
- Cần thêm những vật dụng và hoạt động gì?
Kidzone chào đón Quý phụ huynh và các em nhỏ tham quan