DẠY TRẺ QUA OUT LOUD THINKING 1

“Out loud thinking”, nói ra suy nghĩ của mình, đang ngày càng được các chuyên gia giáo dục cũng như các mô hình giáo dục mầm non tiên tiến trên thế giới khuyến khích người lớn áp dụng trong quá trình chơi và dạy trẻ.

Hãy cùng quan sát Giờ đọc truyện tại một lớp học áp dụng mô hình giáo dục mầm non HighScope tại Mỹ. Sau khi các bé thôi ngọ nguậy, cô giáo bắt đầu đọc trang đầu tiên của cuốn truyện “ Những chú thỏ con”. Câu chuyện đến đoạn “Thỏ mẹ đi vào rừng để các chú thỏ con ở nhà một mình” thì tất cả ánh mắt của các bé bắt đầu chăm chú vào những lời cô giáo kể. Đặc biệt là khi các chú thỏ con đồng loạt kêu lên thảm thiết: “Con cần mẹ, mẹ đừng đi đâu hết!” thì tình huống trở nên vô cùng quen thuộc với các bé. Lúc này, cô giáo đột ngột dừng lại và hỏi: “Ồ, các con, không biết Thỏ mẹ đi đâu rồi kìa”. “Sao thỏ mẹ lại đi vào rừng vậy các con? Cô đang nghĩ không biết Thỏ mẹ có quay lại không nữa.”

“Out loud thinking” trong giờ đọc truyện

Thông thường có nhiều cách thức để giúp cho trẻ em hiểu được câu chuyện và một trong những cách thức hiệu quả là người lớn nói ra những suy nghĩ của mình trong khi đọc truyện. Như khi cô giáo nói về cảm xúc của các chú thỏ con, hành động của chúng, việc làm của chúng thì điều này có tác dụng khuyến khích trẻ suy nghĩ về câu chuyện mà chúng đang theo dõi.

“Đọc là suy nghĩ” là nguyên tắc chính mà hai tác giả Stephanie Harvay và Anne Goudvis đề cập đến trong cuốn “Những cách thức hiệu quả: Nắm bắt phương thức giảng dạy để giúp trẻ hiểu và tham gia” (Stenhouse, 2007). Họ tạo ra bộ công cụ để giúp cho những nhà sư phạm xây dựng môi trường học tập chủ động, vun đắp kỹ năng đọc hiểu của trẻ em.
Mặt khác theo bà Barbara Steinberg, một chuyên gia về môn học đọc ở Oregon, Mỹ, cách thức để giúp trẻ em suy nghĩ về một câu chuyện, tương tác với nội dung truyện và từ đó xây dựng kỹ năng đọc hiểu là người đọc truyện cho trẻ cần nói ra những suy nghĩ của mình trong khi đọc truyện. Điều này sẽ khuyến khích trẻ bắt chước theo cách của người lớn, ví dụ như đoán trước các tình huống cũng như tóm lược lại truyện.
Do vậy, khi đọc truyện cho trẻ, chúng ta nên lưu ý hỏi trẻ những câu hỏi xoay quanh tình huống trong truyện để kích thích khả năng suy nghĩ ở trẻ đồng thời xây dựng kỹ năng đọc hiểu của chúng. Thật ra, chúng ta thường hay làm điều này nhưng có thể chúng ta thực hiện trong vô thức cũng như không nhận thức được tầm quan trọng của việc nói lên những suy nghĩ của mình.
“Out loud thinking” trong giờ chơi

DẠY TRẺ QUA “OUT LOUD THINKING” 2

Không chỉ áp dụng trong giờ đọc truyện, người lớn nên phát huy “out loud thinking” trong cả những giờ chơi với trẻ. Bé loay hoay không biết làm sao để dán hai tờ giấy lại với nhau – “Hôm trước cô thấy bạn Bi dùng cách nào hay lắm ấy, hay là mình thử hỏi bạn ấy xem?”. Bé hì hụi xếp chồng những hộp nhựa lên nhau – “Không biết mình có thể xếp cao đến thế nào nhỉ? Con nghĩ nó sẽ cao đến đâu?”. Bé đứng ngoài nhìn một nhóm bạn khác đang chơi trò làm lính cứu hoả với vẻ thích thú- “Các bạn ấy đang đi dập một đám cháy rất to, cô nghĩ thể nào các bạn cũng phải cần thêm người trợ giúp đấy…”.
Những nhà sư phạm dạy trẻ thành công cần làm tốt hai việc. Trước tiên họ cần phải nắm rõ cách thức nói ra các suy nghĩ của mình khi chơi và dạy trẻ. Quan trọng hơn là họ cần hiểu tầm quan trọng, ý nghĩa và tác dụng của phương cách này đối với việc vun đắp kỹ năng đọc hiểu và kích thích sự suy nghĩ ở trẻ, khuyến khích trẻ tự tìm kiếm câu trả lời cho mình, điều mà những môi trường học tập chủ động luôn luôn hướng tới.