Bạn có để ý bé nhà mình rất hay quanh quẩn bên mẹ khi bạn làm bếp? Nhiều khi bạn muốn “ủn” con ra phòng khách chơi bé cũng chẳng chịu đi. Đó là bởi việc nấu ăn thật sự mang lại cho bé quá nhiều điều hấp dẫn và bổ ích mà không phải ai cũng biết. Hãy xem đó là những điều gì nhé!
Toán học
Còn lúc nào hiệu quả hơn lúc cân đo các nguyên vật liệu để dạy cho bé về “ít hơn”, “nhiều hơn”. Hãy cho con bạn cầm thử một bịch đường 1 kg để bé biết nó nặng thế nào nhé. Nếu bạn đang định làm món sinh tố dâu, hãy cho bé làm quen với việc đếm những quả dâu đủ cho 1 ly sinh tố. “Bố uống ly to nên chúng ta cho 15 quả dâu nhé! Anh Bo uống ly nhỏ nên mình cho 8 quả thôi, nào, giúp mẹ nào!”.
Dưới đây là những từ vựng toán học quan trọng mà trẻ cần hiểu và có thể học qua việc nấu ăn. Nhưng nhớ là mỗi lần chỉ dạy bé vài từ thôi, và tăng dần độ khó khi bạn thấy con đã sẵn sàng. Và, tất nhiên, phải đặt từ vào trong những câu sinh động nhé “Cái bánh nào to hơn, của con hay của mẹ? Bánh của mẹ không tròn, nó hình gì nhỉ?…”
Tính: đủ, không đủ, gần đủ, bao nhiêu, đếm…
So sánh: giống nhau, lớn hơn, nhỏ hơn, lớn nhất, nhỏ nhất, ít hơn, ít nhất, thứ nhất, thứ hai, thứ ba.. cuối cùng…
Cộng – trừ: thêm một, bao nhiêu cái còn lại, bao nhiêu cái mất đi, phải thêm bao nhiêu cho đủ ….
Đo lường: đủ, không đủ, quá ít, quá nhiều, gần, dày, mỏng, ngay phía dưới, ngay phía trên, dài, ngắn, dài nhất, ngắn nhất, nặng, nặng hơn, đầy, rỗng.
Hình dạng: bằng phẳng, tròn, thẳng, góc, cong, hình vuông, tam giác, chữ nhật, ngôi sao
Vị trí: trên cùng, dưới đáy, bên cạnh, ở gữa, kế bên, …
Hướng dẫn: tiến hành, bắt đầu từ, đặt vào, cho thêm, kế tiếp là gì?
Ngôn ngữ
Bạn có thể giúp trẻ học nhiều từ và khái niệm mới qua việc thảo luận trong lúc nấu ăn. Chỉ cho trẻ biết công thức nấu ăn là gì và mình phải theo đúng hướng dẫn để đạt được kết quả như ý. Trẻ có thể học tên các vật liệu và những từ như: rây, trộn, lăn, tan ra, đánh (trứng, kem). Trẻ có thể nhìn từ trên vỏ bao (đường, muối) sau đó tìm chúng trong công thức.
Khoa học
Bạn hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết khoa học chiếm phần lớn thế nào trong việc nấu ăn đấy. Nó liên quan đến khái niệm về sự thay đổi của vật liệu: hỗn hợp bánh lỏng trở nên cứng trong quá trình nướng, nước ép sẽ thành những viên kẹo đá khi bị đông, chocolate sẽ tan chảy khi bị làm nóng. Nấu ăn cũng mang đến cơ hội tuyệt vời để thảo luận thực phẩm đến từ đâu ví dụ như trứng, sữa và các loại thực phẩm khác nhau phát triển ở đâu và như thế nào. Trẻ có thể học rất nhiều điều qua những câu hỏi đặt ra trong nhà bếp như trẻ cần ăn gì để có sức khoẻ tốt. Hãy nói với trẻ những loại thực phẩm nào mang lại cho trẻ năng lượng để chạy nhảy, loại nào giúp trẻ lớn.
Kỹ năng vận động
Hãy để trẻ thực hiện càng nhiều các thao tác nấu ăn càng tốt (ngoại trừ thao tác liên quan đến dao sắc). Kỹ năng như cầm muỗng, hòa lẫn, đập, lắc, đổ, cuộn hoặc cắt sẽ giúp phát triển kỹ năng vận động tinh trong khi việc khuyến khích trẻ ngửi và nếm các nguyên liệu sẽ giúp hoàn thiện giác quan của trẻ.
Phát triển cảm xúc và kỹ năng xã hội
Thực phẩm là cầu nối rất tốt cho việc giao tiếp. Trẻ có thể học cách chia sẻ và thay phiên nhau như thế nào, đặc biệt khi trẻ làm món gì đó cùng bạn bè hoặc anh chị. Sau đó, khi việc nấu ăn kết thúc, mọi người có thể ngồi xuống và cùng nhau thưởng thức.
Tuy nhiên, cần nhớ:
– Trẻ không tập trung lâu được nên hãy giao cho trẻ những việc đơn giản, dễ kết thúc;
– Đưa ra hướng dẫn từng chút một;
– Xem việc trẻ làm đổ hay làm mọi thứ lộn xộn là bình thường;
– Xem việc thu dọn sau đó là một phần của việc thực hành nấu ăn.
Kidzone chào đón Quý phụ huynh và các em nhỏ tham quan