Diễn viên Mỹ Alan Alda từng phát biểu: “Sáng tạo là miền đất chưa ai từng đặt chân tới. Bạn phải rời khỏi “thành phố tiện nghi” bên trong tâm trí của bạn để dấn thân vào vùng hoang hoang vu của trực giác. Những gì bạn sẽ khám phá được sẽ thật tuyệt vời. Điều mà bạn khám phá ra đó là chính bản thân mình. Sự sáng tạo ngày càng được đánh giá cao trong thế giới hiện đại. Ngày nay, rất nhiều cha mẹ mong muốn nuôi dưỡng tính sáng tạo của con em mình.
Bạn muốn nuôi dạy con mình thành những đứa trẻ có tư chất sáng tạo, nhưng bạn không biết sẽ bắt đầu từ đâu? Những lời khuyên sau đây của chuyên gia sẽ giúp bạn lên một kế hoạch để giúp phát huy miền sáng tạo vô biên ở trẻ nhỏ:
1. Mắc sai lầm đôi khi cũng tốt
Nhà Tâm lý học nổi tiếng thuộc ĐH Stanford (Mỹ), Carol Dweck, chia sẻ rằng trẻ em sợ sai lầm thường ít suy nghĩ sáng tạo hơn. Nếu con bạn thất vọng khi mắc lỗi, hãy thử nói với con những câu theo hướng tích cực như “Chúng ta có thể làm gì để thay đổi kết quả này?” hoặc “Con có thể làm lại nó được chứ nhỉ?”. Hãy nhìn lỗi lầm như những cơ hội để phát triển, chứ đừng nghĩ đó là thất bại.
2. Một chút lộn xộn không thành vấn đề!
Phần lớn chúng ta thích duy trì một không gian sạch đẹp, gọn gàng và cảm thấy bị quá tải vì nhà cửa bị lộn xộn bởi các trò chơi của trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ ở độ tuổi ham sáng tạo, bừa bộn sẽ là điều khó tránh. Nếu con muốn vẽ hoặc nghịch túi đựng bông ở sàn nhà, hãy dành khoảng không gian riêng cho các hoạt động này (hoặc cho trẻ chơi ở bên ngoài). Có lẽ bạn phải dọn dẹp sự lộn xộn đó, nhưng lợi ích về mặt sáng tạo sẽ át hẳn điều khó chịu nhất thời này.
3. Cân nhắc với lời khen
Hẳn bạn từng nghe nói lời khen không đúng cách có thể cản trở tư duy độc lập của trẻ. Lời khen là động lực để bản thân người được khen nỗ lực kiếm thêm lời khen nữa. Vấn đề với lời khen đó là nó có thể khiến một đứa trẻ phụ thuộc vào lời khen để tạo động lực cá nhân. Tuy vậy, đừng hiểu rằng lời khen là xấu; hãy chọn lựa lời khen sao cho thích hợp. Có thể bạn nói những lời đầy vẻ đánh giá cao hành động của trẻ, chẳng hạn: “Ồ, mẹ đã thấy con cất giày của mẹ lên giá.” Hay “Con đã thật cố gắng trong công việc này đấy!
4. Hãy suy nghĩ “thoáng” hơn!
Cho trẻ những chọn lựa để khuyến khích tư duy độc lập. Nếu trẻ bỗng nhiên muốn ăn một món ăn mà bạn không thấy hài lòng, cũng không quá khó khăn với trẻ; nếu trẻ muốn vào bếp và biến căn bếp của bạn thành phòng thí nghiệm với các loại nguyên liệu và dụng cụ làm bếp, hãy tỏ ra thoải mái nhé, cho dù bạn biết rằng dọn dẹp thật vất vả!
5. Làm gương về sự sáng tạo
Đâu là công cụ thể hiện sự sáng tạo của bạn? Bạn thích đặt năng lượng sáng tạo của mình vào việc gì? Nấu ăn, ca hát, lám vườn, vẽ tranh, khiêu vũ? Trẻ quan sát cha mẹ chúng tham gia vào các hoạt động sáng tạo thường có xu hướng tự đi theo các hoạt động này. Nếu bạn thấy điểm yếu của mình là khả năng sáng tạo, hãy nghĩ đến những điều khiến bạn hạnh phúc thời thơ ấu và dành 30 phút để cùng con làm các công việc đó.
6. Lui lại phía sau
Mẹo này có vẻ như hơi ngược một chút với mẹo số 5, nhưng điều quan trọng cần nhớ, đây cũng là cách tạo sự cân bằng. Nếu một đứa trẻ cảm thấy mình luôn ở dưới sự giám sát của người lớn, nó có thể ít dám mạo hiểm, điều đó làm giảm bớt khả năng sáng tạo của trẻ. Nếu bạn khuyến khích sự tự chủ của trẻ, bạn sẽ thấy trí tưởng tượng của trẻ có cơ hội để phát triển. Lần tới nếu thấy trẻ đang chơi trong im lặng, vẽ tranh hoặc viết, hãy kiềm chế việc xen vào kiểu như “Con đang vẽ gì thế?”. Làm vậy sẽ chỉ kéo trẻ khỏi công việc của bé mà thôi. Thay vào đó, hãy pha cho mình một tách trà và tự tận hưởng niềm vui được thư giãn
7.Dành thời gian cho hoạt động sáng tạo
Điều này có thể khá khó khăn, đặc biệt với các bậc phụ huynh đi làm ngày 8 tiếng, nhưng trẻ cần có thời gian cho các hoạt động tưởng tượng, xây lắp, trải nghiệm và khám phá… Có thể bạn chỉ cần dành nửa tiếng sau bữa tối, vẽ với trẻ trước giờ đọc sách đi ngủ, hoặc dành một giờ chơi trò tưởng tượng mỗi tuần. Hãy theo dõi lịch bạn đặt ra và đảm bảo có thời gian cho các hoạt động này
8. Quay lại với các trò chơi cơ bản
Những món đồ chơi có tiếng kêu, chuyển động, ánh sáng… quả thực rất hấp dẫn trẻ, nhưng chúng không giúp các trẻ en sáng tạo theo cách của các loại đồ chơi cơ bản như khối gỗ, ống, búp bê, đồ chơi đồ hàng, cát và nước. Loại đồ chơi nào trẻ chơi chủ yếu? Vật nào giúp trẻ tưởng tượng khi chơi? Bạn có thể đổi từ một món đồ chơi có kết thúc (chẳng hạn như món đồ với các nút bấm với 1 hoặc 2 chức năng) sang một món đồ chơi mở (chẳng hạn các khối gỗ khuyến khích trẻ vui chơi tự do)
9.Giảm thời gian ngồi trước màn hình
Có vẻ khó đối với một số gia đình khi phải loại bỏ bớt thời gian cùng tham gia vào các thiết bị điện tử, nhưng chúng ta có thể nỗ lực giảm bớt thời lượng này. thời gian để xem băng video hay các bộ phim hoạt hình có thể dành để vẻ, để xếp các khối hộp, hoặc chơi đồ hàng. Còn bạn, bạn có thể làm gì để có thể giảm thời gian ngồi trước màn hình?
Bạn còn có ý tưởng nào để nuôi dưỡng những em bé sáng tạo? Có rất nhiều cách để kích thích sự sáng tạo của trẻ, mà với tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm cao nhất, bạn có thể tự nghĩ ra để dẫn lối cho con mình.
TUẤN ANH
Kidzone chào đón Quý phụ huynh và các em nhỏ tham quan